• banner t5
  • “GIẢM TƯNG BỪNG- MỪNG SINH NHẬT
  • Phần Mềm Kế Toán Simba
  • Tin tức

Đo lường tính thanh khoản của doanh nghiệp

16:27:0913/05/2018

Trong quan hệ thanh toán, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều có xu hướng thực hiện việc tài trợ vốn thông qua vay nợ ngắn hạn. Vấn đề đặt ra là liệu DN có khả năng thanh toán và thanh toán đúng hạn các khoản nợ? Đây là câu hỏi, không chỉ bản thân DN mà các ngân hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư, ... cũng rất quan tâm. Để trả lời câu hỏi trên thì phải đo lường tính thanh khoản của DN. Các DN chủ yếu sử dụng tỷ số thanh toán để đo lường tính thanh khoản. Tuy nhiên, mỗi tỷ số đều có những ưu và nhược điểm riêng trong việc đo lường tính thanh khoản. Tập trung phân tích những nhược điểm, hạn chế của các tỷ số thanh toán hiện hành.

Thứ nhất, tỷ số thanh toán hiện hành. Thể hiện mối quan hệ giữa toàn bộ tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn của doanh nghiệp và được tính như sau:

Khh = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn

Về mặt lý thuyết, nếu tỷ số thanh toán hiện thời càng cao thì khả năng thanh toán của DN càng tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, đôi lúc hàng tồn kho của DN lớn, tỷ số thanh toán hiện thời cao nhưng chưa chắc tính thanh khoản của DN tốt. Nếu như, trong điều kiện thị trường có những biến động xấu, hàng tồn kho bị ứ đọng, kém phẩm chất làm cho hàng tồn kho khó hoán chuyển thành tiền. Lúc này, DN khó có thể thanh toán được các khoản nợ đến hạn. Mặc dù, tỷ số thanh toán hiện thời cao. Vì thế, trong nhiều trường hợp, tỷ số thanh toán hiện thời không phản ánh chính xác khả năng thanh toán của DN.

Thứ hai, tỷ số khả năng thanh toán nhanh, tương tự như khả năng thanh toán hiện hành nhưng tỷ số này loại bỏ phần tài sản tồn kho trên tử số. Vì đó là, bộ phận phải dự trữ thường xuyên cho kinh doanh mà giá trị của nó và thời gian hoán chuyển thành tiền không chắc chắn. Cụ thể, tỷ số này được tính như sau:

Knhanh = (TSNH – Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn =  (Tiền + ĐTNH + Nợ phải thu)/Nợ ngắn hạn

Theo công thức trên, ta thấy trong tài sản ngắn hạn được dùng để thanh toán nợ ngắn hạn của tỷ số thanh toán nhanh bao gồm các khoản nợ phải thu nhưng không phải lúc nào DN cũng có thể thu hồi được và thu hồi đúng hạn các khoản phải thu này. Khi đó, tỷ số khả năng thanh toán hiện hành sẽ không phản ánh chính xác khả năng thanh toán của DN.

Hạn chế của hai chỉ tiêu này là dựa trên khái niệm thanh lý toàn bộ tài sản ngắn hạn của công ty kể cả những tài sản khó hoán chuyển thành tiền để đáp ứng tất cả các khoản nợ ngắn hạn. Trong thực tế, điều này không thể xảy ra, vì một DN cần phải được nhìn nhận như một thực thể hoạt động liên tục. Ví dụ sau đây, sẽ minh họa cho sự hạn chế của việc sử dụng hai tỷ số thanh toán trên trong việc đo lường tính thanh khoản của DN, giả sử có số liệu của hai DN A và B như bảng 1.

Bảng 1

Chỉ tiêu

DN A

DN B

1. Tài sản ngắn hạn

1.500.000.000đ

1.000.000.000đ

Trong đó: a. Hàng tồn kho

800.000.000đ

400.000.000đ

               b. Nợ phải thu

600.000.000đ

350.000.000đ

2. Nợ ngắn hạn

350.000.000đ

350.000.000đ

3. Giá vốn hàng bán trung bình ngày

5.000.000đ

5.000.000đ

4. Doanh thu trung bình ngày

7.000.000đ

7.000.000đ

5. Tỷ số thanh toán hiện hành: (5) = (1)/(2)

4,29

2,86

6. Tỷ số thanh toán nhanh: (6) = ((1)  (a))/(2)

2,00

1,71

7. Kỳ chuyển đổi hàng tồn kho: (7) = (a)/(3)

160 ngày

80 ngày

8. Kỳ thu tiền khách hàng: (8) = (b)/(4)

86 ngày

50 ngày

9. Kỳ thanh toán cho nhà cung cấp (9) = (2)/(3)

70 ngày

70 ngày

Dựa vào số liệu trên cho thấy, DN A có tỷ số thanh toán hiện hành là 4,29 và tỷ số thanh toán nhanh là 2,00. Trong khi đó, DN B có tỷ số thanh toán hiện hành là 2,86 và tỷ số thanh toán nhanh là 1,71. Như vậy, nếu chỉ dựa vào khả năng thanh toán hiện hành và khả năng thanh toán nhanh thì khả năng thanh toán của DN A là tốt hơn DN B. Nhưng đi sâu phân tích chúng, ta thấy: DN A cần 86 ngày, để thu hồi các khoản phải thu và mất 160 ngày, để hàng tồn kho quay hết 1 vòng. DN B cần 50 ngày, để thu hồi các khoản phải thu và mất 80 ngày, hàng tồn kho quay hết 1 vòng.

Như vậy, trong ví dụ trên DN A là rất kém thanh khoản. Mặc dù, tỷ số thanh toán hiện hành và tỷ số thanh toán nhanh rất cao. Vì các khoản nợ phải trả của DN A đến nhanh hơn so với tốc độ chuyển đổi hàng tồn kho và các khoản phải thu sang tiền mặt. Trong khi đó, DN A không thể thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn mà không phải bằng tiền mặt. Lúc này, DN B có thanh khoản tốt hơn DN A vì quá trình chuyển đổi của hàng tồn kho và nợ phải thu nhanh hơn.

Thứ ba, tỷ số khả năng thanh toán tức thời: Đây là tỷ số thể hiện mối quan hệ giữa tiền và tương đương tiền so với nợ ngắn hạn:

Ktt = Vốn bằng tiền / Nợ ngắn hạn

Tỷ số này, trên tử số loại bỏ hàng tồn kho và các khoản phải thu vì hai khoản này không có sự đảm bảo rằng, có thể chuyển đổi nhanh bằng tiền mặt để kịp thời đáp ứng các khoản nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, rất ít DN sẽ có đủ tiền mặt và các khoản tương đương tiền để trang trải đầy đủ và kịp thời các khoản nợ ngắn hạn. Vì nếu một DN giữ một lượng vốn bằng tiền quá lớn thì điều này sẽ làm cho hiệu quả sử dụng tài sản sẽ thấp. Vì vậy, việc sử dụng khả năng thanh toán tức thời để đánh giá tính thanh khoản của DN cũng có lúc không chính xác. Mặc dù, những DN có lượng tiền và tương đương tiền thấp (khả năng thanh toán tức thời thấp), nhưng nếu số vòng quay hàng tồn kho và số vòng quay phải thu nhanh thì tính thanh khoản của DN sẽ tốt.

Nhận xét, việc sử dụng ba tỷ số thanh toán nêu trên trong việc đo lường tính thanh khoản có những hạn chế nhất định. Chưa đủ để đánh giá, tính thanh khoản của DN và nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó là do cả ba tỷ số trên chỉ được xem xét trong trạng thái tĩnh. Vì vậy, để khắc phục được những hạn chế trên cần có một cái nhìn đầy đủ, tương đối đúng về tính thanh khoản của một DN thì ngoài ba tỷ số trên, DN có thể vận dụng chỉ số Chu kỳ chuyển đổi tiền mặt (Cash Conversion Cycle-CCC). Đây là chỉ số được Verlyn Richards và Eugene Laughlin giới thiệu vào năm 1980 trong bài viết “ Một sự tiếp cận chu kỳ chuyển đổi tiền mặt để phân tích tính thanh khoản”. Nói cách khác, chu kỳ chuyển đổi tiền mặt phản ánh độ dài của thời gian mà một DN bán hàng tồn kho, thu các khoản phải thu và trả các khoản phải trả của mình. Chu kỳ chuyển đổi tiền mặt được tính theo công thức sau:

CCC = ICP + RCP – PDP

Trong đó:

- ICP là kỳ chuyển đổi hàng tồn kho (Inventory Conversion Pẻiod): Chỉ tiêu này phản ánh số ngày của một vòng quay hàng tồn kho và được tính như sau:

ICP = Giá trị hàng tồn kho bình quân/Giá vốn hàng bán trung bình ngày

- RCP là kỳ thu tiền khách hàng (Receivable Conversion Period): Chỉ tiêu này phản ánh số ngày bình quân của một chu kỳ nợ, từ khi bán hàng đến khi thu tiền và được tính như sau:

RCP = Số dư bình quân nợ phải thu/Doanh thu trung bình ngày

- PDP là kỳ thanh toán cho nhà cung cấp (Payable Deferral Period): Chỉ tiêu này phản ánh số ngày DN cần để thanh toán các khoản phải trả của mình và được tính như sau:

PDP = Số dư bình quân nợ phải trả/Giá vốn hàng bán trung bình ngày

Từ công thức tính CCC, ta thấy chỉ tiêu này càng thấp sẽ rút ngắn chu kỳ chuyển đổi tiền mặt, giảm lượng vốn lưu động bị ứ đọng. Từ đó giảm nhu cầu về vốn lưu động, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tính thanh khoản cho DN.

Ví dụ trên, chu kỳ chuyển đổi tiền mặt của DN A và B  lần lượt được tính như sau:

CCCA = ICPA + RCPA – PDPA = 160 + 86 – 70 = 176 (ngày)

CCCB = ICPB + RCPB – PDPB = 80 + 50 – 70 = 60 (ngày)

Dựa vào kết quả tính toán trên, ta thấy chu kỳ chuyển đổi tiền mặt của DN B (60 ngày) ngắn hơn DN A (176 ngày), tức là tính thanh khoản của DN B tốt hơn DN A./.

Theo: Tạp chí kế toán và kiểm toán

Số tổng đài mới của SimbaHCM: 1900 63 66 89