• banner t5
  • “GIẢM TƯNG BỪNG- MỪNG SINH NHẬT
  • Phần Mềm Kế Toán Simba
  • Tin tức

News & Events

Quy trình 4 bước hợp nhất báo cáo tài chính dễ thực hiện

21:11:5223/03/2022

Báo cáo tài chính hợp nhất thường sẽ phản ánh tình hình tài chính của bên mua và bên bị mua. Thông thường bên mua sẽ nắm quyền kiểm soát của bên bị mua, sau đó 2 bên này sẽ hình thành một đơn vị báo cáo mới ở cấp độ tập đoàn.

 

 

Từ góc độ nhà đầu tư họ không chỉ muốn biết riêng lẻ tình hình tài chính của bên mua, mà họ còn muốn biết cả tình hình tài chính của bên mua và bên bị mua như thế nào. Đó chính là lý do báo cáo tài chính hợp nhất cho tập đoàn được hình thành.

Thực chất, không phải lúc nào bên mua cũng sở hữu 100% cổ phần của bên bị mua, vì rất có nhiều trường hợp số cổ phần còn lại thuộc về quyền sở hữu của các cổ đông không có quyền kiểm soát. Vì vậy khi phản ánh tình hình tài chính của bên bị mua vào trong báo cáo tài chính của tập đoàn cũng cần thể hiện được, đâu là phần kiểm soát thuộc về công ty mẹ (tức bên mua) và đâu là các giá trị thuộc về các cổ đông không có quyền kiểm soát.

Từ các vấn đề trên, khi đi vào quá trình hợp nhất báo cáo tài chính, chúng ta sẽ thực hiện theo một quy trình 4 bước như sau:

Bước 1: Thu thập báo cáo tài chính riêng (của cả công ty mẹ và công ty con) -> xem xét điều chỉnh (nếu có) -> Cộng gộp các báo cáo tài chính lại

Điều chỉnh cho báo cáo tài chính riêng này trước khi sử dụng để hợp nhất, nếu không có vấn đề gì thì không cần phải điều chỉnh. Vấn đề ở đây sẽ là các vấn đề nào?

Thứ nhất, trong trường hợp các báo cáo tài chính riêng có các sai sót chưa được điều chỉnh. Bây giờ công ty mẹ thu thập báo cáo tài chính của công ty con và phát hiện ra có các sai sót chưa được điều chỉnh. Vì vậy cần phải điều chỉnh trước khi hợp nhất. Trong thực tế khi đã sử dụng các báo cáo tài chính đã được kiểm toán thì khả năng sai sót trọng yếu nó cũng không nhiều, bản chất vẫn phải sử dụng báo cáo tài chính đúng để hợp nhất. Do vậy trước khi hợp nhất phát hiện có sai sót thì phải điều chỉnh.

Thứ hai, các báo cáo tài chính công ty con có sự khác biệt với các báo cáo tài chính của tập đoàn như (kỳ kế toán, chính sách kế toán, đồng tiền hạch toán sử dụng). Nếu có sự khác biệt thì cần điều chỉnh theo quy định trước khi sử dụng các báo cáo này cho việc hợp nhất.

Thứ ba, lưu ý khi cộng gộp các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty trong tập đoàn với nhau. Nguyên tắc chung ở đây đó là ta sẽ cộng sao cho các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của tập đoàn nó sẽ phản ánh, nó sẽ phản ánh quyền kiểm soát của công ty mẹ đối với các khoản mục tài sản, nợ phải trả cũng như các khoản thu nhập, chi phí của công ty con.

Chính vì vậy khi cộng gộp các chỉ tiêu tài sản và nợ phải trả thì chúng ta sẽ lấy 100% số dư tài sản, nợ phải trả của công ty mẹ cộng với 100% số dư tài sản, nợ phải trả của công ty con. Bất kể là tỷ lệ sở hữu của công ty mẹ trong công ty con là bao nhiêu. Dù tỷ lệ sở hữu chỉ là 80% đi chăng nữa, thì công ty mẹ vẫn có quyền kiểm soát toàn bộ đối với tài sản và nợ phải trả của công ty con, thể hiện theo công thức:

-> Tài sản và nợ phải trả: 100% mẹ + 100% con

Đối với các chỉ tiêu trên vốn chủ sở hữu, chúng ta cần chia làm 2 phần, thứ nhất là đối với nguồn vốn chủ sở hữu, chúng ta chỉ lấy dư vốn chủ sở hữu của công ty mẹ, vì báo cáo tài chính hợp nhất này chỉ phản ánh các phần vốn của các cổ đông của công ty mẹ, chứ không phản ánh vốn của các cổ đông ở công ty con, nên ở đây chúng ta chỉ lấy chỉ tiêu nguồn vốn chủ sở hữu của công ty mẹ.

Đối với chỉ tiêu vốn chủ sở hữu khác, chúng ta sẽ lấy 100% số dư của công ty mẹ + % sở hữu của tập đoàn với lợi nhuận sau hợp nhất của công ty con. Được xác định theo công thức:

-> VCSH khác: 100% số dư mẹ + % sở hữu của tập đoàn vớn “lợi nhuận sau hợp nhất” của công ty con

Đối với chỉ tiêu trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, ta sẽ lấy số của công ty mẹ + thu nhập/ chi phí của giai đoạn sau hợp nhất của công ty con. Mô tả ý này sẽ theo công thức:

-> Chỉ tiêu trên PL: 100% Mẹ + Thu nhập/chi phí giai đoạn “sau hợp nhất” của công ty con

Bước 2: Thực hiện các bút toán điều chỉnh hợp nhất

Các bút toán điều chỉnh hợp nhất có thể chia thành các dạng như sau:

+ Dạng thứ nhất: Dùng để điều chỉnh chênh lệch giữa giá trị hợp lý và giá trị ghi sổ trong tài sản thuần của công ty con.

+ Dạng thứ hai: Bút toán loại trừ giá trị ghi sổ khoản đầu tư của công ty mẹ trong từng công ty con.

+ Dạng thứ ba: Bút toán phân bổ lợi thế thương mại (nếu có), khi mà giá phí của khoản đầu tư mà công ty mẹ bỏ ra lớn hơn % sở hữu của công ty mẹ trong giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty con, khi đó sẽ phát sinh lợi thế thương mại công ty mẹ sẽ cần phải ghi nhận cái lợi thế thương mại này trên báo cáo tài chính hợp nhất.

+ Dạng thứ tư: Bút toán loại trừ các giao dịch nội bộ trong tập đoàn, ví dụ công ty mẹ có giao dịch mua bán hàng hoá với công ty con, hoặc các giao dịch cho vay lẫn nhau, vì từ góc độ của tập đoàn là một đơn vị báo cáo thì không ai tự giao dịch với chính mình cả, dẫn tới các giao dịch nội bộ này không tồn tại ở góc độ tập đoàn. Nhưng ở trên báo cáo tài chính riêng của từng công ty thì đã hạch toán rồi. Chúng ta lại sử dụng báo cáo tài chính riêng đó để chúng ta hợp nhất. Sau khi cộng gộp các báo cáo tài chính riêng của các công ty rồi, thì chúng ta phải thực hiện loại trừ đi ảnh hưởng của các giao dịch nội bộ đã phát sinh trong kỳ của các công ty.

+ Dạng thứ năm: Xác định giá trị của cổ đông không kiểm soát cần ghi nhận ở thời điểm cuối kỳ

Bước 3: Lập bảng tổng hợp các bút toán điều chỉnh và chỉ tiêu hợp nhất

Chúng ta sẽ có 2 bảng tổng hợp với mục đích tập hợp lại các công việc chúng ta đã thực hiện, để làm cơ sở lên báo cáo tài chính hợp nhất, cũng như là cơ sở để sang năm sau chúng ta đã làm những cái gì, để năm sau chúng ta điều chỉnh tiếp. Sẽ gồm các bảng:

- Bảng tổng hợp bút toán điều chỉnh: Tổng hợp các khoản được điều chỉnh và loại trừ khi hợp nhất BCTC. Tức là nó sẽ tập hợp tất cả các bút toán mà chúng ta đã thực hiện ở các bước 1, bước 2.

- Bảng tổng hợp thứ hai là tổng hợp các chỉ tiêu hợp nhất: Tổng hợp các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn đồng thời phản ánh tổng ảnh hưởng của các bút toán loại trừ và điều chỉnh khi hợp nhất.

Bước 4: Lên BCTC hợp nhất

Báo cáo tài chính hợp nhất sẽ được áp dụng biểu mẫu BCTC theo như quy định bình thường của một doanh nghiệp độc lập thôi. Ngoài ra, trong quá trình mà chúng ta hợp nhất sẽ phát sinh một số chỉ tiêu chỉ có trên báo cáo tài chính hợp nhất, còn trên BCTC riêng sẽ không có, cụ thể trên báo cáo tài chính hợp nhất sẽ cần bổ sung một số chỉ tiêu:

+ Lợi thế thương mại ghi nhận (chúng ta sẽ ghi nhận những chỉ tiêu này như một khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán)

+ Lợi ích cổ đông không kiểm soát (thuộc chỉ tiêu vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán)

+ Phần lãu hoặc lỗ trong công ty liên doanh, liên kết – PL

+ Lợi nhuận sau thuế của cổ đông của công ty mẹ. – PL

+ Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát – PL

Nguồn: Tổng hợp - Chắt lọc - Sưu tầm

Trên đây là 4 bước để giúp bạn hiểu về quá trình hợp nhất báo cáo tài chính tập đoàn diễn ra như thế nào? Còn tại khoá học hướng dẫn lập báo cáo tài chính hợp nhất sẽ hướng dẫn bạn cách thu thập thông tin từ báo cáo tài chính của công ty mẹ, công ty con cấp 1, cấp 2...Tổng hợp không chỉ bảng cân đối và báo cáo lãi lỗ mà cả tất cả thuyết minh báo cáo tài chính. Cách đối chiếu tính phù hợp giữa số liệu báo cáo tài chính và thuyết minh báo cáo tài chính. Cách tổng hợp số liệu số dư nợ và vay nợ nội bộ, các khoản giao dịch phát sinh trong tập đoàn và tự động lập bút toán loại trừ.

 

Số tổng đài mới của AsiaSoftHCM: 1900 63 66 89