• banner t5
  • “GIẢM TƯNG BỪNG- MỪNG SINH NHẬT
  • Phần Mềm Kế Toán Simba
  • Tin tức

News & Events

What is the difference between management accounting and corporate financial accounting?

10:27:2015/06/2021

Ngày nay, kế toán quản trị đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tất cả thông tin mà kế toán quản trị cung cấp sẽ giúp nhà quản trị hoạch định công việc giám sát và điều hành doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Vậy nhiệm vụ của kế toán quản trị cũng như sự khác biệt giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính doanh nghiệp là như thế nào?

Kế toán quản trị hay kế toán quản lý tài chính đều là công việc chuyên môn của kế toán, nhằm nắm rõ các vấn đề về tài chính của doanh nghiệp, nhờ đó công tác quản trị nội bộ được tốt và hiệu quả hơn. Thông tin do kế toán quản trị cung cấp đặc biệt quan trọng trong quá trình vận hành của doanh nghiệp.

Vai trò của kế toán quản trị

Kế toán quản trị lên kế hoạch dự báo cho tương lai, giúp nhà quản trị đưa những quyết định và kế hoạch hành động mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp của mình.

Kế toán quản trị phân tích và lý giải nguyên nhân tăng trưởng cũng như thua lỗ của doanh nghiệp, so sánh với các kỳ kế toán trước. Đồng thời, kế toán quản trị còn xem xét sự tác động của các nhân tố mang lại lợi nhuận của doanh nghiệp. Từ đó giúp các nhà quản trị hoạch định kế hoạch cho tương lai.

Kế toán quản trị cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà quản trị ra quyết định chứ không đưa ra các quyết định cụ thể.

Kế toán quản trị không cung cấp thông tin dưới dạng đã được quy định với các nhà quản trị.

Như vậy, vai trò của kế toán quản trị mới nghe qua cũng rất dễ nhầm lẫn sang công việc của kế toán tài chính. Để hiểu rõ, chúng ta cùng đi tìm hiểu khái niệm kế toán quản trị với kế toán tài chính và sự khác biệt của 2 dạng kế toán này.

Kế toán quản trị: là việc thu thập, xử lý và truyền đạt thông tin cho các nhà quản trị nội bộ của doanh nghiệp nhằm đưa ra những quyết định kinh doanh cũng như tạo nền tảng cho việc quản trị doanh nghiệp theo hướng phát triển một cách bền vững. Đối tượng cung cấp thông tin của kế toán quản trị chính là những người trong nội bộ doanh nghiệp chứ không cung cấp cho những đối tượng khác bên ngoài.

Kế toán tài chính: là việc ghi chép, phản ánh, tổng hợp số liệu, lập báo cáo tài chính theo tháng/quý/ năm nhằm cung cấp thông tin cho các đối tượng gồm cơ quan thuế, thanh tra, cổ đông, khách hàng, ngân hàng,… chủ yếu là phục vụ cho các nhu cầu quản lý tài chính tại doanh nghiệp.

Sự khác biệt giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính 

Chính sự khác biệt về đối tượng và mục đích sử dụng thông tin, nên giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính có những đặc điểm khác biệt cơ bản như sau:

Đối tượng sử dụng thông tin

Đối tượng sử dụng thông tin của kế toán quản trị là các thành viên thuộc doanh nghiệp như chủ doanh nghiệp, ban giám đốc, những nhà quản lý,… Trong khi đó, thông tin của kế toán tài chính chủ yếu là cung cấp cho các đối tượng ở bên ngoài doanh nghiệp như các cổ đông, người cho vay, khách hàng, nhà cung cấp, cơ quan thuế, cơ quan quản lý tài chính.

Đặc điểm thông tin

Thông tin kế toán tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và chế độ hiện hành của kế toán Việt Nam cũng như đáp ứng nguyên tắc, chuẩn mực của kế toán quốc tế. Nhưng với kế toán quản trị, do yêu cầu phải nhạy bén và nắm bắt nhanh các cơ hội kinh doanh đa dạng nên thông tin kế toán quản trị cần linh hoạt, nhanh chóng và tùy thuộc vào quyết định cụ thể của người quản lý. Do đó, kế toán quản trị không bắt buộc phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán chung. Các quy định của Nhà nước về kế toán quản trị (nếu có) cũng chỉ mang tính chất hướng dẫn.

Thông tin của kế toán tài chính chủ yếu là thông tin kế toán thuần túy, được thu thập thông qua các chứng từ phát sinh, kế toán thể hiện nghiệp vụ bằng cách hạch toán nợ/có cụ thể. Trong khi đó, thông tin của kế toán quản trị được thu thập nhằm phục vụ để đưa ra quyết định cho nhà quản lý trong tương lai.

Tính pháp lý của kế toán

Kế toán tài chính có tính pháp lệnh, nghĩa là hệ thống sổ sách, ghi chép, trình bày và cung cấp thông tin của kế toán tài chính đều phải tuân theo các quy định thống nhất. Ngược lại, tổ chức công tác quản trị lại mang tính nội bộ, thuộc thẩm quyền của từng doanh nghiệp phù hợp với đặc thù quản lý, yêu cầu quản lý, điều kiện và khả năng quản lý cụ thể của từng doanh nghiệp.

Hình thức báo cáo sử dụng

Báo cáo được sử dụng trong kế toán tài chính là các báo cáo kế toán tổng hợp toàn doanh nghiệp (gọi là các Báo cáo tài chính), nó phản ánh tổng quát về nguồn vốn, tài sản, kết quả hoạt động của doanh nghiệp theo một kỳ của báo cáo tài chính (gồm Bảng cân đối kế toán; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính).

Báo cáo của kế toán quản trị đi sâu vào từng bộ phận, từng công việc của doanh nghiệp (như báo cáo chi phí sản xuất và giá thành, báo cáo nợ phải trả, báo cáo nhập xuất và tồn kho của hàng tồn kho).

Kỳ báo cáo tài chính

Kỳ báo cáo của kế toán quản trị thường xuyên hơn và ngắn hơn kỳ báo cáo của kế toán tài chính tùy theo yêu cầu quản trị doanh nghiệp. Báo cáo tài chính của kế toán được lập theo định kỳ, thường tháng, quý hoặc năm.

Trên đây là những tiêu chí, đánh giá cơ bản về sự khác biệt giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính. Thông tin này sẽ giúp nhà quản lý hiểu rõ và vận hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách hiệu quả, tránh những nhầm lẫn không đáng có.

 

Số tổng đài mới của AsiaSoftHCM: 1900 63 66 89