• banner t5
  • “GIẢM TƯNG BỪNG- MỪNG SINH NHẬT
  • Phần Mềm Kế Toán Simba
  • Tin tức

Tin tức & sự kiện

Các vấn đề về đăng ký kinh doanh hộ cá thể và doanh nghiệp

14:29:5515/01/2024

Đăng ký kinh doanh là gì? Vì sao phải đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh? Các cách đăng ký kinh doanh hộ cá thể, đăng ký thành lập công ty, doanh nghiệp.

ĐĂNG KÝ KINH DOANH LÀ GÌ?

Đăng ký kinh doanh là việc chủ thể kinh doanh nộp hồ sơ đăng ký thông tin về doanh nghiệp, hộ kinh doanh dự kiến thành lập hoặc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp/hộ kinh doanh với cơ quan nhà nước. 

Hiểu đơn giản, đây là quá trình cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận hoạt động kinh doanh của các cá thể hoặc doanh nghiệp, để có thể quản lý, giám sát và cấp phép cho hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Đăng ký kinh doanh bao gồm: đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh hộ cá thể, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, đăng ký địa điểm kinh doanh...

VÌ SAO PHẢI ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP, THÀNH LẬP HỘ KINH DOANH?

Thủ tục đăng ký kinh doanh có vai trò vô cùng quan trọng đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp vì:

  1. Đăng ký kinh doanh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể kinh doanh

Đăng ký kinh doanh giúp các chủ thể kinh doanh:

  • Được sự công nhận hợp pháp của cơ quan nhà nước;
  • Được nhà nước bảo hộ các quyền lợi hợp pháp, đơn cử là tên công ty sẽ không bị trùng với những tổ chức thành lập sau đó; 
  • Được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm, được phép mở rộng thị trường, tiếp cận nhiều đối tượng. 
  1. Đăng ký kinh doanh để xây dựng lòng tin và sự uy tín với khách hàng, đối tác, nhà đầu tư

Giúp khách hàng, đối tác và các nhà đầu tư biết rằng doanh nghiệp, hộ kinh doanh của bạn là 1 thực thể hợp pháp và đáng tin cậy;

Là bằng chứng về khả năng chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh đối với khách hàng, từ đó họ có thể yên tâm hơn khi đưa ra quyết định có nên chi tiền cho sản phẩm, dịch vụ của bạn hay không.

  1. Đăng ký kinh doanh để thiết lập, đăng ký tài khoản ngân hàng doanh nghiệp

Riêng đối với loại hình doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh là cơ sở để mở tài khoản ngân hàng doanh nghiệp. Đây được xem là một trong những thủ tục cần thiết mà doanh nghiệp phải làm sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

MỨC XỬ PHẠT KHI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH

  1. Đối với hộ kinh doanh

Căn cứ vào Điều 62 của Nghị định 122/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh hộ gia đình bị xử phạt như sau:

a/ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi:

  • Cá nhân, các thành viên hộ cá thể đăng ký kinh doanh nhiều hơn 1 hộ kinh doanh;
  • Không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thực hiện;
  • Thuộc trường hợp phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh nhưng không thực hiện;
  • Thay đổi nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng không làm thủ tục với cơ quan chức năng trong vòng 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.

b/ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi:

  • Kê khai không đúng thông tin trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hoặc hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh;
  • Tiếp tục kinh doanh ngành nghề có điều kiện khi đã bị cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu tạm ngưng. 
  1. Đối với doanh nghiệp

Căn cứ vào Điều 45 và Điều 46 của Nghị định 122/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp vi phạm quy định về đăng ký doanh nghiệp bị xử phạt như sau: 

a./ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp: Không thông báo công khai thông tin đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc thông báo không đúng thời gian quy định;

b./ Phạt tiền từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi:

  • Tiếp tục kinh doanh các ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm ngưng của cơ quan đăng ký kinh doanh;
  • Không đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

c./ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với các hành vi:

  • Doanh nghiệp hoạt động mà không đăng ký kinh doanh;
  • Doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan nhà nước yêu cầu đình chỉ, tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

NHỮNG NGÀNH NGHỀ KHÔNG YÊU CẦU GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Hầu hết các ngành nghề kinh doanh đều cần phải đăng ký và tuân thủ các quy định pháp lý để hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên, có một số trường hợp không cần phải đăng ký kinh doanh, cụ thể như sau: 

  • Buôn bán không có địa điểm cố định như mua bán hàng rong, buôn bán các vật dụng nhỏ lẻ, bán quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động…; 
  • Cung cấp các dịch vụ như đánh giày, bán vé số, sửa chữa xe, khóa, trông xe, rửa xe, chụp ảnh, vẽ tranh và các dịch vụ có thu nhập thấp (trừ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện)có hoặc không có địa điểm cố định;
  • Hộ gia đình hoạt động kinh doanh độc lập, mang tính thường xuyên như sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp...

CÁC CÁCH ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP, ĐĂNG KÝ KINH DOANH HỘ GIA ĐÌNH 

Doanh nghiệp, hộ cá thể (hộ gia đình) có thể nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền theo 1 trong 3 cách:

  • Đăng ký kinh doanh trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh;
  • Đăng ký kinh doanh qua dịch vụ bưu chính;
  • Đăng ký kinh doanh qua mạng thông tin điện tử.

  1. Đăng ký kinh doanh trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh
  • Người thành lập hoặc người đại diện pháp luật của doanh nghiệp/hộ kinh doanh được ủy quyền thực hiện các thủ tục pháp lý và nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại: 

Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (đối với loại hình doanh nghiệp);

Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính (đối với loại hình hộ kinh doanh).

  • Trường hợp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hồ sơ thành lập hộ kinh doanh cá thể hợp lệ, trong vòng 3 ngày làm việc, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép kinh doanh hộ gia đình;
  • Ngược lại, nếu hồ sơ không hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo về yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. 

Lưu ý:

Hiện nay hầu hết các cơ quan đăng ký kinh doanh đều ưu tiên tiếp nhận hồ sơ thành lập công ty hoặc thành lập hộ kinh doanh cá thể thông qua 1 trong 2 hình thức: online và dịch vụ bưu chính. Vậy nên, để tránh mất thời gian đi lại và in ấn hồ sơ, bạn cần liên hệ trước và xác nhận hình thức tiếp nhận đơn đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền.

  1. Đăng ký kinh doanh qua dịch vụ bưu chính
  • Người thành lập hoặc người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiến hành nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh online qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
  • Sau khi nhận email xác nhận từ cơ quan đăng ký kinh doanh, bạn tiến hành nộp hồ sơ bản giấy qua bưu điện;
  • Trường hợp hồ sơ hợp lệ và đủ điều kiện, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ gửi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đến địa chỉ của doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh thông qua dịch vụ bưu chính.

Lưu ý:

Đối với hồ sơ văn bản giấy:

  • Phải trùng khớp với hồ sơ đăng ký kinh doanh bản giấy;
  • Phải nộp trước 25 ngày kể từ thời điểm nhận được email xác nhận hồ sơ của cơ quan đăng ký kinh doanh;
  • Phải đính kèm giấy ủy quyền cho bưu điện đại diện nộp hồ sơ và nhận kết quả đăng ký kinh doanh.
  1. Đăng ký kinh doanh online
  • Người thành lập hoặc người đại diện pháp luật tiến hành hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử tại Cổng thông tin quốc gia. Doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký qua mạng;
  • Nếu hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đăng ký hộ kinh doanh;
  • Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo yêu cầu sửa đổi và bổ sung hồ sơ. 

 Nguồn: Sưu tầm Internet

Số tổng đài mới của SimbaHCM: 1900 63 66 89