• banner t5
  • “GIẢM TƯNG BỪNG- MỪNG SINH NHẬT
  • Phần Mềm Kế Toán Simba
  • Tin tức

Tin tức & sự kiện

Chi phí sản xuất chung và Hướng dẫn hạch toán kế toán chi phí sản xuất chung

10:46:1420/09/2024

Chi phí sản xuất chung là tổng hợp các chi phí phát sinh trong quá trình phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bài viết dưới đây giúp chúng ta hiểu chi phí sản xuất chung là gì? Kế toán tài khoản 627 – Chi phí sản xuất chung

Chi phí sản xuất chung là gì

Chi phí sản xuất chung là tổng hợp các chi phí phát sinh trong quá trình phục vụ sản xuất, kinh doanh phát sinh ở phân xưởng, bộ phận… 

Đặc điểm:

  • Đây là các chi phí không phụ thuộc trực tiếp vào số lượng sản phẩm được sản xuất.
  • Thường được phân bổ theo cách phù hợp nhất với hoạt động sản xuất như sử dụng hệ số hoặc phương pháp phân bổ định kỳ. Đối với các doanh nghiệp, việc hiểu và quản lý chi phí sản xuất chung là quan trọng để đảm bảo tính cạnh tranh và lợi nhuận của họ.

Chi phí sản xuất chung bao gồm những gì?

Chi phí sản xuất chung bao gồm:

  • Các khoản chi phí cho lương, thưởng, bảo hiểm và các phúc lợi cho quản lý sản xuất, kỹ sư sản xuất, và các nhân viên quản lý khác liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất.
  • Các khoản chi phí về khấu hao, bảo trì, sửa chữa, và bảo dưỡng các thiết bị, máy móc, và cơ sở hạ tầng trong nhà máy hoặc xưởng sản xuất.
  • Chi phí vật liệu sản xuất dùng chung, công cụ dụng cụ sản xuất
  • Chi phí cho quản lý tổ chức như chi phí văn phòng phẩm, chi phí tiêu hao của cơ sở vật chất, và các khoản chi phí khác liên quan đến hoạt động vận hành tổ chức

Phân loại chi phí sản xuất chung

Chi phí sản xuất chung có thể được phân loại thành các loại dựa trên mức độ ảnh hưởng của chúng đối với quá trình sản xuất và khả năng phân bổ cho từng đơn vị sản phẩm cụ thể:

  • Chi phí cố định: Đây là các chi phí không thay đổi tùy theo mức sản xuất hoặc số lượng sản phẩm được sản xuất. Những chi phí này tồn tại ngay cả khi không có sản phẩm nào được sản xuất. 

Ví dụ bao gồm:

  • Tiền thuê nhà xưởng
  • Lương cố định của quản lý sản xuất
  • Chi phí bảo dưỡng máy móc
  • Chi phí biến đổi: Đây là các chi phí có thể biến đổi tương ứng với sự thay đổi về mức sản xuất hoặc số lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chúng không thể được phân bổ trực tiếp cho từng đơn vị sản phẩm. 

Ví dụ bao gồm:

  • Nguyên vật liệu sản xuất 
  • Tiền lương của công nhân trực tiếp sản xuất

Ví dụ: Tổng số phát sinh TK 627 trong tháng 9/2021 là 55.000.000

+ Chi phí SXC cố định: 33.000.000

+ Chi phí SXC biến đổi: 22.000.000

Công suất máy móc thiết bị trong điều kiện bình thường là 50.000 sản phẩm

Trường hợp

CPSX chung cố định phân bổ

CPSX chung biến đối phân bổ

CPSX chung cố định không phân bổ (đưa vào Giá vốn)

Sản phẩm thực tế >= 50.000 sản phẩm

33.000.000

22.000.000

0

Sản phẩm thực tế dưới 50.000 sản phẩm (Ví dụ: 40.000)

(33.000.000 x 40.000)/50.000 = 26.400.000  

22.000.000

33.000.000 – 26.400.000  = 6.600.000

Kết cấu của tài khoản 627 – Chi phí sản xuất chung

Tài khoản 6271 – Chi phí nhân viên phân xưởng: Ghi nhận các chi phí liên quan đến nhân viên quản lý và sản xuất tại phân xưởng, bao gồm tiền lương, các phụ cấp, và tiền ăn giữa ca. Ngoài ra, còn bao gồm các khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, và bảo hiểm thất nghiệp, được tính theo tỷ lệ quy định hiện hành trên tiền lương phải trả cho nhân viên phân xưởng và bộ phận sản xuất.

Tài khoản 6272 – Chi phí vật liệu: Ghi nhận chi phí vật liệu sử dụng trong phân xưởng, bao gồm vật liệu dùng để sửa chữa, bảo dưỡng tài sản cố định, công cụ, dụng cụ thuộc phân xưởng, cũng như chi phí lán trại tạm thời.

Tài khoản 6273 – Chi phí dụng cụ sản xuất: Phản ánh chi phí liên quan đến công cụ, dụng cụ được sử dụng trong quản lý của phân xưởng, bao gồm cả các tổ, đội sản xuất.

Tài khoản 6274 – Chi phí khấu hao tài sản cố định: Ghi nhận chi phí khấu hao của tài sản cố định được sử dụng trực tiếp cho sản xuất sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ, cũng như tài sản cố định dùng chung cho hoạt động của phân xưởng, bộ phận sản xuất.

Tài khoản 6277 – Chi phí dịch vụ mua ngoài: Ghi nhận các chi phí dịch vụ mua ngoài để phục vụ cho hoạt động của phân xưởng, bao gồm chi phí sửa chữa, thuê ngoài, điện, nước, điện thoại, tiền thuê tài sản cố định, và các chi phí trả cho nhà thầu phụ (đối với doanh nghiệp xây lắp).

Tài khoản 6278 – Chi phí bằng tiền khác: Ghi nhận các chi phí bằng tiền không thuộc các danh mục trên, nhưng phục vụ cho hoạt động của phân xưởng, bao gồm các chi phí khác không kể trên.

Kế toán tài khoản 627 – Chi phí sản xuất chung

a) Khi tính tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp phải trả cho nhân viên của phân xưởng; tiền ăn giữa ca của nhân viên quản lý phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, ghi:

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (6271)

Có TK 334 – Phải trả người lao động.

b) Khi trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, các khoản hỗ trợ người lao động (như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí tự nguyện) được tính theo tỷ lệ quy định hiện hành trên tiền lương phải trả cho nhân viên phân xưởng, bộ phận sản xuất, ghi:

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (6271)

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3382, 3383, 3384, 3386).

c) Kế toán chi phí nguyên liệu, vật liệu xuất dùng cho phân xưởng (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên):

– Khi xuất vật liệu dùng chung cho phân xưởng, như sửa chữa, bảo dưỡng TSCĐ dùng cho quản lý điều hành hoạt động của phân xưởng, ghi:

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (6272)

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu.

– Khi xuất công cụ, dụng cụ sản xuất có tổng giá trị nhỏ sử dụng cho phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, căn cứ vào phiếu xuất kho, ghi:

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (6273)

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

– Khi xuất công cụ, dụng cụ sản xuất có tổng giá trị lớn sử dụng cho phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, phải phân bổ dần, ghi:

Nợ TK 242 – Chi phí trả trước

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

– Khi phân bổ giá trị công cụ, dụng cụ vào chi phí sản xuất chung, ghi:

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (6273)

Có TK 242 – Chi phí trả trước.

d) Trích khấu hao máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất,… thuộc phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, ghi:

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (6274)

Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ.

đ) Chi phí điện, nước, điện thoại,… thuộc phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, ghi:

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (6278)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu được khấu trừ thuế GTGT)

Có các TK 111, 112, 331,…

e) Trường hợp sử dụng phương pháp trích trước hoặc phân bổ dần số đã chi về chi phí sửa chữa lớn TSCĐ thuộc phân xưởng, tính vào chi phí sản xuất chung:

– Khi chi phí sửa chữa lớn TSCĐ thực tế phát sinh, ghi:

Nợ TK 2413 – Sửa chữa lớn TSCĐ

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có các TK 331, 111, 112,…

– Khi chi phí sửa chữa lớn TSCĐ hoàn thành, ghi:

Nợ các TK 242, 352

Có TK 2413 – Sửa chữa lớn TSCĐ.

– Khi trích trước hoặc phân bổ dần số đã chi về chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, ghi:

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (6273)

Có các TK 352, 242.

g) Trường hợp doanh nghiệp có TSCĐ cho thuê hoạt động, khi phát sinh chi phí liên quan đến TSCĐ cho thuê hoạt động:

– Khi phát sinh các chi phí trực tiếp ban đầu liên quan đến cho thuê hoạt động, ghi:

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có các TK 111, 112, 331,…

– Định kỳ, tính, trích khấu hao TSCĐ cho thuê hoạt động vào chi phí SXKD, ghi:

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung

Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (hao mòn TSCĐ cho thuê hoạt động).

h) Ở doanh nghiệp xây lắp, khi xác định số dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp, ghi:

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung

Có TK 352 – Dự phòng phải trả.

– Khi phát sinh chi phí sửa chữa, bảo hành công trình xây lắp, ghi:

Nợ các TK 621, 622, 623, 627

Có các TK 111, 112, 152, 214, 334,…

– Cuối kỳ, kết chuyển chi phí sửa chữa, bảo hành công trình xây lắp, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Có các TK 621, 622, 623, 627.

– Khi sửa chữa, bảo hành công trình xây lắp hoàn thành, ghi:

Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả

Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

i) Cuối kỳ kế toán, xác định lãi tiền vay phải trả, đã trả được vốn hoá cho tài sản sản xuất dở dang, khi trả lãi tiền vay, ghi:

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (tài sản đang sản xuất dở dang)

Có các TK 111, 112

Có TK 242 – Chi phí trả trước (nếu trả trước lãi vay).

Có TK 335 – Chi phí phải trả (lãi tiền vay phải trả)

Có TK 343 – Trái phiếu phát hành (chi phí phát hành trái phiếu và số chênh lệch giữa số lãi trái phiếu phải trả tính theo lãi suất thực tế cao hơn số lãi phải trả tính theo lãi suất danh nghĩa được ghi tăng gốc trái phiếu).

k) Nếu phát sinh các khoản giảm chi phí sản xuất chung, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 138,…

Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung.

l) Đối với chi phí sản xuất chung sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh

– Khi phát sinh chi phí sản xuất chung sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh, căn cứ hoá đơn và các chứng từ liên quan, ghi:

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (chi tiết cho từng hợp đồng)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các TK 111, 112, 331…

– Định kỳ, kế toán lập Bảng phân bổ chi phí chung (có sự xác nhận của các bên) và xuất hoá đơn GTGT để phân bổ chi phí sản xuất chung sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh cho các bên, ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (chi tiết cho từng đối tác)

Có các TK 627 – Chi phí sản xuất chung

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.

Trường hợp khi phân bổ chi phí không phải xuất hóa đơn GTGT, kế toán ghi giảm thuế GTGT đầu vào bằng cách ghi Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ.

m) Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào Bảng phân bổ chi phí sản xuất chung để kết chuyển hoặc phân bổ chi phí sản xuất chung vào các tài khoản có liên quan cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ theo tiêu thức phù hợp:

– Đối với doanh nghiệp áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên, cuối kỳ kết chuyển chi phí sản xuất chung, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi phí SXC cố định không phân bổ)

Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung.

– Đối với doanh nghiệp áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ, cuối kỳ kết chuyển chi phí sản xuất chung, ghi.

Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi phí SXC cố định không phân bổ)

Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung

 

Lưu ý khi hạch toán tài khoản 627 – Chi phí sản xuất chung

Phân biệt giữa chi phí sản xuất chung với chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp:

Chi phí sản xuất chung là các chi phí không thể dễ dàng phân bổ cho từng sản phẩm cụ thể trong quá trình sản xuất, bao gồm các chi phí vận hành nhà máy, tiền lương của nhân viên sản xuất và chi phí vận hành máy móc. 

Trái ngược với đó, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp là các chi phí liên quan đến việc tiếp thị, bán hàng và quản lý tổ chức trong toàn bộ doanh nghiệp, bao gồm các chi phí quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, chi phí bán hàng, marketing, và quản lý tài chính, nhân sự

Cần phân biệt chi phí tiền lương quản lý sản xuất, quản đốc phân xưởng… với chi phí lương nhân công trực tiếp tạo ra sản phẩm (Tài khoản 622 – Chi phí nhân công trực tiếp) 

Nguồn: Internet

Số tổng đài mới của SimbaHCM: 1900 63 66 89