• banner t5
  • “GIẢM TƯNG BỪNG- MỪNG SINH NHẬT
  • Phần Mềm Kế Toán Simba
  • Tin tức

Tin tức & sự kiện

Truy thu thuế của cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn Thương Mại Điện Tử

14:59:3526/04/2023

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki… sẽ phải nộp những khoản thuế gì? Quy định về thời hạn khai, nộp thuế như thế nào? Trường hợp cá nhân kinh doanh chưa kê khai nộp thuế thì quy định xử phạt ra sao. Đây là câu hỏi được nhiều cá nhân, hộ kinh doanh quan tâm. 

  1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT sẽ phải nộp những khoản thuế gì?

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, bao gồm cả hoạt động thương mại điện tử (cả trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử).

(Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC).

Hộ kinh doanh (HKD), cá nhân kinh doanh (CNKD) trên các sàn TMĐT sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), lệ phí môn bài. 

Ngoài ra HKD, CNKD còn phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và các loại thuế khác nếu phát sinh theo đúng quy định của pháp luật. 

  1. Các quy định về truy thu thuế

2.1. Thế nào là truy thu thuế? 

Không có quy định nào định nghĩa thế nào là “truy thu thuế” xong căn cứ vào thực tế và các quy định liên quan của luật thuế chúng ta có thể khái quát như sau: Truy thu thuế là quyết định hành chính do cơ quan thuế ban hành, yêu cầu đối tượng nộp thuế cần phải nộp phần thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Thuế bị truy thu đề cập đến toàn bộ các khoản nợ thuế từ những năm trước đó.

Các lý do này bao gồm các hành vi như: 

  • Vi phạm trong kê khai thu nhập và không thực hiện nghĩa vụ thuế; 
  • Không báo cáo tất cả thu nhập kiếm được trong năm tính thuế (kê thiếu); 
  • Bỏ qua việc khai thuế trong năm tính thuế nhất định.


Về bản chất, truy thu thuế là quyết định hành chính yêu cầu chủ thể chưa có nộp đủ thuế thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, có thể chưa phải là quyết định xử phạt vi phạm hành chính, và nguyên nhân của việc chậm nộp thuế có thể do chủ quan, khách quan cố ý hoặc vô tình vi phạm.

Một số ví dụ khác về truy thu thế như: kê khai thu nhập nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế, không báo cáo tất cả thu nhập kiếm được trong năm tính thuế, bỏ qua việc khai thuế trong năm tính thuế. 

Lưu ý: 

Thuế bị truy thu không chỉ truy thu số thuế thiếu của năm trước mà là truy thu toàn bộ số thuế nộp thiếu của các năm trước, miễn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra phát hiện ra. Trường hợp quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế (chi tiết tại Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP) thì tuy sau thời hiệu xử phạt vi phạm, người nộp thuế không bị phạt nữa, nhưng vẫn phải nộp đủ số thuế còn thiếu cho ngân sách nhà nước.

Thêm vào đó, dù người nộp thuế – những cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh bán hàng hóa dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử dù vô tình hay cố tình không kê khai và nộp thuế theo quy định. Khi cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan thuế…) phát hiện thì sẽ xử lý truy thu thuế theo quy định.

Ngoài ra, trường hợp người nộp thuế cố tình không thực hiện nghĩa vụ thuế thì nhẹ sẽ bị xử phạt theo quy định về xử phạt hành chính, nặng tới phạm vi điều chỉnh, răn đe của Bộ luật hình sự thì còn bị xử theo Luật hình sự. 

Bài viết chỉ thuần túy nói về việc truy thu thuế. Người nộp thuế có thể cố ý hoặc vô ý chưa nộp đủ thuế. 

2.2. Thẩm quyền ra quyết định truy thu thuế

Điều 2, Luật quản lý thuế năm 2019 quy định cơ quan quản lý thuế bao gồm:

+ Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực;

+ Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan.

=> Do vậy, thẩm quyền truy thu thuế sẽ bao gồm các cơ quan sau: Tổng cục thuế, Cục thuế, Chi cục thuế; Tổng cục hải quan, Cục hải quan, Chi cục hải quan (đối với hàng hóa xuất nhập khẩu).


Nhiều HKD, CNKD được mời lên cơ quan thuế để thực hiện các nghĩa vụ thuế liên quan tới các khoản thu nhập nhận được từ các hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT

Ví dụ về quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với cá nhân, HKD trên sàn TMĐT

2.3.Thời hạn truy thu thuế

Theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP: 

a) Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền thuế truy thu (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, tiền chậm nộp tiền thuế) vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

b) Thời hạn truy thu thuế tại điểm a khoản này chỉ áp dụng đối với các khoản thuế theo pháp luật về thuế và khoản thu khác do tổ chức, cá nhân tự khai, tự nộp vào ngân sách nhà nước.

Đối với các khoản thu từ đất đai hoặc khoản thu khác do cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền xác định thời hạn truy thu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan nhưng không ít hơn thời hạn truy thu theo quy định tại điểm a khoản này.

Như vậy:

Trường hợp người nộp thuế đã đăng ký thuế và quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế –> người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền thuế truy thu (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, tiền chậm nộp tiền thuế) vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. 

Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. 

Lưu ý: 

Ngày phát hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế là ngày lập biên bản vi phạm hành chính về thuế. 

Thời hạn truy thu thuế là 10 năm trở về trước chỉ áp dụng đối với các khoản thuế theo pháp luật về thuế và khoản thu khác do tổ chức, cá nhân tự khai, tự nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với các khoản thu từ đất đai hoặc khoản thu khác do cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền xác định thời hạn truy thu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan nhưng không ít hơn thời hạn truy thu theo quy định trên”.

  1. Quy định về thời hạn khai và nộp thuế và xử lý đối với các hành vi vi phạm về thuế của HKD, CNKD

3.1. Về việc khai thuế

  • Thời hạn kê khai thuế 
  • Mức phạt với việc chậm kê khai thuế

Căn cứ theo Điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:

STT

Hành vi vi phạm

Mức phạt

Mức trung bình tham khảo

1

Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ

Phạt cảnh cáo

Phạt cảnh báo

2

Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

3.500.000 đồng

3

Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng

6.500.000 đồng

4

Một trong các hành vi sau:

a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;

b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng

11.500.000 đồng

5

Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.”

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng

20.000.000 đồng 

=> Như vậy, các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh có phát sinh doanh thu từ bán hàng hóa dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử nhưng không kê khai thuế theo quy định thì sẽ bị xử phạt về hành vi chậm kê khai thuế theo quy định trên. 

3.2. Hành vi chậm nộp tiền thuế

Mức phạt với việc chậm nộp thuế

Căn cứ theo khoản 2, Điều 59, Luật quản lý thuế năm 2019 quy định mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp được quy định như sau: 

“Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;

 Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 1 Điều này đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.”

=> Như vậy, nếu cá nhân, hộ kinh doanh chậm thực hiện nộp thuế thì sẽ bị tính tiền chậm nộp là 0,03%/ngày.

3.3. Mức phạt với việc chậm nộp tiền phạt

Thời hạn nộp tiền phạt 

Thời hạn nộp tiền phạt được ghi rõ trong Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế.


Mức phạt với việc chậm nộp tiền phạt

Căn cứ theo Điều 42, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền phạt vi phạm thì bị tính tiền chậm nộp tiền phạt theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp.

Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề trước ngày tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân không tự giác nộp tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm thông báo, đôn đốc tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt theo quy định.

Lưu ý: Nộp thuế trong trường hợp kinh doanh lỗ: 

Đối với doanh nghiệp:

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. (theo khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020).

Doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ thuế chính là khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); khai và nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT); khai khấu trừ và nộp thuế TNCN cho người lao động theo quy định và các loại thuế khác nếu có.

Doanh nghiệp có doanh thu bán trên các sàn TMĐT như shopee, lazada, tiki… và đã kê khai nộp thuế GTGT đầy đủ theo quy định.

Doanh nghiệp đã kê khai doanh thu phát sinh và các chi phí đầu vào tương ứng. Các chi phí này có đủ hồ sơ chứng từ chứng minh chi phí hợp lý, hợp pháp, hợp lệ thuộc diện chi phí được trừ theo đúng quy định của pháp luật về thuế TNDN.

Các chi phí này được cơ quan thuế chấp nhận và tính ra doanh nghiệp bị lỗ thì doanh nghiệp không phải nộp thuế TNDN theo quy định.  

Đối với cá nhân:

Cá nhân không đăng ký kinh doanh hoặc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì căn cứ trên doanh thu để tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ %. Các bạn xem chi tiết tại Phụ lục I, Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. 

Do vậy, chỉ tiêu xác định số thuế chủ yếu là tỷ lệ % tính thuế và doanh thu tính thuế mà không căn cứ vào việc người nộp thuế xác định lỗ hay lãi. Đây là đặc điểm của phương pháp thuế khoán. 

Ví dụ: Khi cá nhân kinh doanh bán, cung cấp hàng hóa trên sàn thương mại điện tử sẽ phải nộp 1.5% tính trên doanh thu (trong đó 1% cho thuế GTGT và 0,5% cho thuế TNCN).

3.4 Hành vi trốn thuế và xử phạt

3.4.1 Hành vi trốn thuế

Theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, các hành vi trốn thuế đối với HKD, CNKD bao gồm:

  • Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. 
  • Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp. 
  • Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.

3.4.2 Xử lý đối với hành vi trốn thuế

Theo quy định tại Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP, các mức phạt được tổng hợp theo bảng sau:

STT

Loại tiền phạt và mức phạt

Hành vi

1

Phạt tiền từ 1 lần số tiền thuế trốn

Chi tiết các hành vi theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020 NĐ-CP và có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên

2

Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn

Người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

3

Phạt tiền 2 lần số thuế trốn

Người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng

4

Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn

Người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng

5

Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn

Người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên

Bên cạnh đó, khoản 6 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi trốn thuế đối với HKD, CNKD:

a) Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.

Trường hợp hành vi trốn thuế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 ,4, 5 Điều này đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định này.

Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 và khoản 5 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội trốn thuế phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

*Lưu ý: Theo khoản 5, Điều 5, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn: “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ mức phạt tiền đối với hành vi quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định này.”

  1. Kết luận

Như vậy, HKD, CNKD trên các sàn TMĐT có trách nhiệm kê khai và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp các HKD, CNKD do sơ sót không nắm được quy định dẫn tới việc chưa chấp hành quy định của Pháp luật thuế nên xem xét việc chủ động thực hiện các nghĩa vụ thuế tránh trường hợp để thời gian lâu, số tiền nộp phạt, tiền thuế phải nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt hành chính… ngày càng nhiều. 

Đối với trường hợp HKD, CNKD kinh doanh trên Shopee cũng như các sàn TMĐT khác như Tiki, Lazada…; các sàn TMĐT có nghĩa vụ cung cấp các thông tin tính thuế của các hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT cho cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan thuế…).  Do đó, với các quy định về việc truy thu và xử phạt liên quan đến các hành vi trốn thuế, kê khai sai về thuế như đã nêu trên, các cá nhân, hộ kinh doanh trên các sàn TMĐT phải nghiêm túc thực hiện chế độ kế toán rõ ràng, kê khai thuế đầy đủ, đúng quy định, các thủ tục về thuế phải được thực hiện đúng thời hạn… để không rơi vào trường hợp bị truy thu thuế, xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hay chịu tội trốn thuế theo Bộ luật hình sự.

Nguồn: Inernet

Số tổng đài mới của SimbaHCM: 1900 63 66 89